An toàn thực phẩm có vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong bối cảnh một đô thị lớn với mật độ dân cư cao và hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ ẩm thực sôi động, việc kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm càng trở nên cấp thiết.
Tại Hà Nội, với số lượng lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các quán ăn đường phố, việc kiểm soát chặt chẽ quy trình để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan chức năng. Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 là "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố". Thành phố đã tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện con người, điều kiện bảo quản, vận chuyển và nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm; đánh giá kiến thức, thái độ thực hành của người lãnh đạo quản lý; người chế biến kinh doanh, tiêu dùng tại bếp ăn tập thể, căng tin các trường; lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm; tổ chức truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, căng tin các trường.
Trước tình hình thực phẩm chức năng giả, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng … len lỏi vào thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mất an toàn cho người tiêu dùng, Thành phố thành lập 02 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn. Theo Kế hoạch, từ ngày 9/5 đến hết ngày 15/6/2025, các Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại 30 quận, huyện, thị xã. Qua đó, xử lý, kiến nghị xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Để các cháu thiếu nhi và gia đình có một mùa Trung thu đoàn viên, an toàn, từ tháng 4 cho đến hết tháng 10 năm nay, Thành phố sẽ triển khai thực hiện chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại một số làng nghề sản xuất bánh, kẹo và dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025" tại hai làng nghề sản xuất bánh kẹo lớn ở xã La Phù, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức.
Thành phố sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu, nguyên liệu (nhất là nhân bánh, nguyên liệu nông sản, nguồn gốc động vật như mỡ, lạp xưởng…). Kiểm tra kinh doanh bánh trung thu giảm giá sau Rằm. Kiểm tra, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm theo quy định. Giám sát việc khắc phục tồn tại của cơ sở sau kiểm tra. Kiểm tra, xử lý, giải tỏa điểm kinh doanh thực phẩm tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế - xã hội, người sản xuất kinh doanh thực phẩm cần: Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, thiết bị, người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm; Tăng cường ứng dụng công nghệ, ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững; Tuyệt đối không sử dụng hóa chất kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ nhãn mác, có hạn sử dụng, thực hiện ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, vệ sinh dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm, nơi ăn uống sạch sẽ, bảo quản thực phẩm đúng cách.
Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả cộng đồng!